Nông thôn mới huyện Giao Thủy - 5 năm một chặng đường.
Ngày 1/4/1997 huyện Giao Thủy được tái lập theo Nghị định 19 của Chính phủ. Kể từ ngày đầu tái lập sau 2 thập kỷ đổi mới và phát triển, đến nay Giao Thủy đã có bước chuyển mình nhanh chóng, phát huy tiềm năng về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển và du lịch. Đặc biệt từ năm 2011 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới huyện Giao Thủy đã và đang khẳng định mình bằng những bước đi thận trọng và vững chắc với mục tiêu phấn đấu đó là hoàn thành huyện nông thôn mới trước năm 2018.

Nông thôn mới xã Giao Châu

Nếu như những năm trước đây huyện Giao Thủy nằm trong tình trạng chung đó là kinh tế dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, khai thác thủy hải sản gần bờ với thu nhập không cao, lao động nông thôn có đời sống rất thấp chưa nói đến là không ít hộ gia đình thuộc diện khó khăn cần phải giúp đỡ. Thế nhưng từ năm 2011 đến nay khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai trở thành nghị quyết quan trọng của Đảng bộ huyện đã đón nhận sự hưởng ứng tích cực của chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể nhất là các tầng lớp nhân dân. 
Là huyện nằm xa trung tâm tỉnh nên huyện nhà không tránh khỏi những khó khăn trở ngại về việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư về với Giao Thủy. Nhìn lại bức tranh tổng thể về kinh tế xã hội Huyện cũng phải khẳng định nhờ có nông thôn mới diện mạo xã hội từ huyện đến cơ sở đã có bước đổi thay nhanh chóng. Các chủ trương căn bản mang tính toàn bộ được cụ thể hóa thành chương trình nghị quyết theo mỗi chuyên đề phù hợp với đặc điểm địa phương. Điển hình phải kể tới đó là năm 2012 Giao Thủy đã chỉ đạo đồng loạt thực hiện công tác dồn điền đổi thửa ở 19 xã, thị trấn. Riêng xã Giao Phong, Bạch Long và Thị trấn Quất Lâm do đặc thù không có diện tích 2 lúa nên không chỉ đạo dồn điền đổi thửa. 
Dồn điền đổi thửa đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với người nông dân đó là xóa bỏ được hiện tượng manh mún ruộng đất, quy hoạch dồn đổi thành những cánh đồng có diện tích canh tác lớn thuận lợi cho việc sản xuất với các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng 3 cùng. Theo đó toàn huyện đã có hơn 7.800 ha đất được dồn đổi thành công, nhân dân đã tự nguyện hiến  hàng ngàn m2 đất nông nghiệp để xây dựng các công trình phúc lợi địa phương. 
Đến nay đã cải tạo nâng cấp và xây mới được hơn 100 km đường trục xã, liên xã, gần 300 km đường trục thôn xóm, dong ngõ. Đào đắp hơn 1,5 triệu m3 kênh mương, giao thông thủy lợi nội đồng. Cũng sau dồn điền đổi thửa toàn huyện đã xây dựng được 11 cánh đồng mẫu lớn, hàng chục cánh đồng ba cùng. Xuất hiện ngày càng nhiều những cánh đồng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa. 
Cùng với  đó huyện nhà đã thành công trong việc chuyển đổi diện tích trồng lúa năng xuất thấp sang nuôi trồng thủy sản. Minh chứng đó là tại mỗi địa phương vùng nội đồng đã hình thành các trang trại, gia trại với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Với sự khuyến khích động viên kịp thời của chính quyền các cấp, đặc biệt là tạo điều kiện về mặt bằng, điện, đường cũng như nguồn vốn vay ưu đãi mà các hộ đã mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn. Điển hình như trang trại chăn nuôi Thái Việt xã Giao Thịnh chuyên chăn nuôi lợn nái ngoại với quy mô tới gần một ngàn con lợn nái, hàng ngàn con lợn thịt mỗi năm cung cấp ra thị trường cả chục ngàn con lợn giống và lợn thịt ra thị trường với doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Hay mô hình chuyển đổi nuôi cá, tôm nước ngọt tại Giao Thịnh, Giao Châu, Giao Hà cũng cho hiệu quả cao được nhân dân đấu thầu có thời hạn 5 năm
Nhìn lại bức tranh về sản xuất nông nghiệp sau 5 năm xây dựng nông thôn mới tại huyện nhà đã có sự chuyển biến tích cực, người nông dân không còn quá vất vả với ruộng vườn mà thay vào đó là những mô hình kinh tế với diện tích lớn, nông dân có thể canh tác diện tích gấp cả chục lần so với trước. Cơ giới đã được đưa vào đồng ruộng thay dần sức người, sức trâu truyền thống. Từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đã được liên kết theo mô hình 4 nhà. Người nông dân đã thực sự làm chủ được ruộng vườn, nông sản trong huyện đã vươn xa đến các thành phố lớn. Tiêu biểu như sản phẩm rau củ, dưa lê siêu ngọt tại Giao Phong, tôm, cua, cá các loại tại xã Bạch Long, Giao Thiện mang lại nguồn thu từ nông nghiệp lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. 

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tại Giao Châu

Kinh tế các bước phát triển đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt gần 20 triệu đồng/người /năm thì nay con số ấy đã lên đến gần 30 triệu đồng. Nhân dân ngoài duy trì nghề sản xuất nông nghiệp là chủ yếu thì chủ trương công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đang được chú trọng. Mở rộng thu hút các nhà đầu tư về với Giao Thủy với các ngành nghề có thu nhập cao phù hợp với thị trường lao động nông thôn. 
Riêng trên lĩnh vực may mặc đến nay tại địa bàn huyện đã có tới 3 doanh nghiệp có tiềm năng lớn điển hình phải kể đến công ty Prosport Giao Thủy chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang thể thao xuất sang thị trường Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc... thu hút gần 2000 lao động cơ việc làm ổn định từ gần 5 năm qua. Không dừng lại ở đó năm 2016 Prosport tiếp tục mở rộng quy mô với việc đầu tư thêm 2 xưởng sản xuất mới tại xã Hồng Thuận và Giao Yến với mục tiêu vươn tới trong năm 2017 là có hơn 3000 lao động và trở thành một doanh nghiệp có sức ảnh hưởng và tiềm năng lớn nhất tại địa bàn. Hình ảnh công nhân lao động tại mái nhà chung Prosport đã trở thành niềm tự hào của công nhân lao động khi mức thu nhập bình quân người lao động đạt từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó các thành phần kinh tế khác cũng có bước tăng trưởng vượt bậc đã giải quyết việc làm cho trên 10 ngàn lao động nông thôn. Thành quả trong xây dựng nông thôn mới đó là sự đổi thay trong mỗi nếp nhà, mỗi khu dân cư. Nông thôn mới đã mang lại nhiều đổi thay tích cực, đời sống nhân dân được nâng lên cả về vật chất cũng như tinh thần. 

Nông thôn mới Giao Thủy hôm nay đó là những con đường bê tông hóa, nhựa hóa được nối dài. Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, thiết chế văn hóa được xây dựng từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, thay vào đó là nếp sống văn hóa mới được cụ thể hóa bằng nội dung hương ước quy ước của mỗi địa phương đơn vị theo hướng dẫn của huyện. Đến nay trong việc cưới việc tang trong huyện đã được quy định rất chặt chẽ về cánh thức tổ chức, ăn uống xóa bỏ được tục lệ ăn cỗ lấy phần đã kéo dài hàng chục năm qua. Và trong mỗi phong trào cuộc vận động ấy sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân có vai trò quan trọng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương. Tại xã Giao Tân một trong 7 xã hoàn thành nông thôn mới trong năm 2016 người dân rất phấn khởi thực hiện các phong trào do các cấp phát động. 

      Sau hơn 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay huyện nhà đã có 15 xã về đích, 7 xã còn lại đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành trước năm 2018 theo kế hoạch của huyện đề ra./.  

                          Hải Yến
                        Đài phát thanh Giao Thủy

  










image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1