Đình chùa Tiên Chưởng xã Giao Châu
Địa chỉ: Xóm Tiên Long, thôn Tiên Chưởng  Xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.


Nghi môn đình làng Tiên Chưởng

Theo gia phả dòng họ Đỗ hiện còn lưu giữ tại viện nghiên cứu Hán Nôm cùng truyền thuyết tại địa phương, thì buổi đầu về đây lập ấp có các dòng họ: Cao, Trần, Đỗ, Nguyễn. Các dòng họ tìm về vùng đất này từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh như dòng họ Đỗ đến từ làng Chưởng tỉnh Hà Tây, họ Cao xuồng từ Hà Nam, họ Trần đến từ tỉnh Hà Tây. Mặc dù các dòng họ đến từ nhiều nơi song đều có chung một mụch đích xây dựng làng quê mới ở vùng đất bồi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Tại đây các ông tổ các dòng họ tiến hành bỏ công góp của mộ thêm dân nghèo các nơi cùng nhau quai đê lấn biển, san gò lấp trũng, Công cuộc quai đê lấn biển, cải tạo đồng ruộng của 4 dòng họ Cao, Trần, Đỗ, Nguyễn diễn ra khẩn trương, thu hút nhiều nhân lực đã tạo tiền đề cho 4 dòng họ khác là Đào, Mai. Lê, Phạm cùng về góp sức.Qua bao năm tháng đấu tranh, gian khổ với thiên nhiên khắc nghiệt nơi miền đất mới, các dòng họ đã tạo nên những cánh đồng trồng lúa nước phì nhiêu, màu mỡ.


Đình làng Tiên Chưởng

Căn cứ vào nội dung các đạo sắc phong có niên đại Cảnh Hưng thứ 44 (1783), đến Khải Định thứ 9 (1924) hiện còn lưu giữu tại đình và truyền thuyết tại địa phương thì mảnh đất làng Tiên Chưởng được hình thành từ năm Kỷ Tỵ đời vua Lê Thần Tông (1629). Ban đầu mảnh đất được bồi đắp kéo dài, uốn lượn giống hình cánh tay một nàng tiên, dựa vào địa thế đó tiền nhân mới ghép với tên làng cũ (làng Chưởng- Hà Tây) đặt tên cho mảnh đất mới khai phá là Tiên Chưởng.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tiên Chưởng là một xã độc lập thuộc tổng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Cách mạng tháng Tám thành công, các đơn vị hành chính đều thay đỏi cho phù hợp với tình hình mới của cách mạng. Lúc này thôn Tiên Chưởng cùng với thôn Duyên Thọ, Sa Châu lập thành xã Thọ Tiên Châu. Từ năm 1958 đến nay thôn Tiên Chưởng thuộc xã Giao Châu huyện Giao Thủy.

Đình chùa Tiên Chưởng thờ Triệu Việt Vương cùng hai vị tướng Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc. Đình Tiên Chưởng được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 3 sào Bắc Bộ. Đình quay về hướng Bắc, trước mặt là cánh đồng lúa, bên trái là đường liên thôn rải nhựa, bên phải là khu dân cư, xung quanh di tích có tường bao bảo vệ.

Nghi môn trước đình được xây dựng bề thế với 3 cổng ra vào. Cổng giữa được xây cao rộng theo kiểu “cổ đẳng” hai tầng tám mái với các đao góc uốn cong mềm mại. Cổ đẳng nối mái tầng 1 với tầng 2 được đắp nổi chữ Hán “Hiển chính môn” (cửa chính sáng tỏ). Hai cổng bên được xây thấp hơn cũng mang phong cách cuốn vòm tám mái. Nối liền với Nghi Môn có 2 đồng trụ cao trên 7 m, đỉnh cột đắp trang trí họa tiết “phượng lật”, thân trụ tạo đường khoét lòng nhấn câu đối bằng chữ Hán.

Đình được xây dựng theo kiểu chữ "Đinh" bao gồm tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian và hậu cung 2 gian. Tiền đường có kích thước dài 13 m, rộng 3,9m, gian giữa lắp dựng 4 gian cửa bức bàn, hai gian bên tạo cửa khép kiểu bức bàn, hai gian giáp đốc xây tường ngoài hiên vẽ họa tiết chữ "Thọ".

Bộ khung tòa Tiền đường được gia công theo kiểu “giá chiêng, mê cốn trốn cột”, chịu lực chính là 4 cây cột cái có đường kính 0,3m, tạo dáng búp đòng thanh thoát được đặt trên 4 chân tảng đá thắt cổ bồng cao 0,3m. Nối từ cột cái ra đầu cột hiên là hệ thống xà đinh dài 2,3m được soi chỉ kép tạo dáng má chai truyền thống. Gian giữa treo bức đại tự có niên hiệu Canh Ngọ (1930) “Thánh cung vạn tuế” (Chúc thánh muôn tuổi).

Tòa trung đường và cung cấm được xây quay dọc giao mái với tiền đường. Bộ mái của công trình bắt vần với nhau mềm mại khéo léo bời vì đã được nghệ nhân sử dụng hệ thống kẻ xối, do ảnh hưởng của trận ném bom của đế quốc Mỹ năm 1967 toàn bộ tòa trung đường với hệ thống cột lim đã bị phá hủy hoàn toàn, nhân dân địa phương đã tiến hành tu sửa thay thế bằng các cột gạch cuốn tròn đỡ mái.

Tòa cung cấm gồm hai gian, gian ngoài rộng 2,2m, gian trong cùng rộng 2,4 m được xây vượt trội theo kiểu hai tấng tám mái, lợp ngói nam với các đầu đao uốn cong. Ngăn cách giữa gian thứ nhất với gian thứ hai là bức tường xây cuốn, có 3 khoang kích thước rộng 1 m theo kiểu kèo đỡ hệ thống hoành mái. Gian trong của tòa cung cấm đặt yên vị tượng, khám thờ đức thánh Triệu Việt Vương, gian bên ngoài thờ ngai của của 2 tướng Nguyễn Lộc và Nguyễn Phúc.




Chùa làng Tiên Chưởng

Nằm cách đình Tiên Chưởng trên 200m về phía đông là ngôi chùa Tiên Chưởng còn có tên gọi là: “Tiên Bảo Tự”. Tam quan thiết kế kiểu 2 tầng tám mái được xây dựng về phía bên trái quay ra hướng Đông, bên cạnh con đường vào chùa. Hai tầng trên tam quan là gác chuông có tám mái lợp ngói nam, trên đó hiện treo quả chuông đồng đúc năm Đinh Sửu. Tầng dưới cổng xây cuốn vành mai với những đường nét uốn lượn hài hòa. Bao loan cách tầng trên với tầng dưới là  dãy lan can có ô thoáng, trong các ô có trang trí đề tài hoa lá cách điệu.

Chùa Tiên Chưởng được xây dựng theo kiểu chữ "Đinh" gồm tiền đường 3 gian, tam bảo 3 gian. Tòa tiền đường được xây theo lối cuốn vòm với hệ thống hiên rộng có 5 khuông cửa cuốn theo hình bán nguyệt. Hai bên đầu hồi tiền đường có hai cột hoa biểu cao trên 5 m đỉnh cột đắp trang trí búp sen, lồng đèn bên trong đắp nổi họa tiết rồng chầu phượng vũ. Tuy 3 gian tiền đường đều xây cuốn, nối giữa các cột với nhau là vì kèo giả gỗ làm bằng chất liệu xi măng cốt thép nhưng đường nét ý tưởng của nhà thiết kế vẫn tuân theo ý tưởng vốn có trong kiến trúc cổ truyền của dân tộc.

Tòa tam bảo gồm 3 gian được xây quay dọc nối với tiền đường cũng theo phong cách cuốn vòm. Chịu lực chính là 4 cột bê tông đường kính 0,4m, trên đỉnh cột trang trí hình lục lăng đỡ vòm cuốn. Trên tam bảo có 5 lớp tượng thờ được đặt trên bệ xây từ cao xuống thấp. Phía sau tam bảo qua một khoảng sân rộng là nhà tổ và phủ thờ mẫu.
Hằng năm tại di tích đình chùa Tiên Chưởng đã diễn ra nhiều ngày lễ, ngày giỗ liên quan đễn những sự kiện và nhân vật lịch sử thờ tại di tích như ngày hóa của Đức thánh Triệu Việt Vương (14/8 ÂL) được tổ chức tại đình, ngày Lễ Vu lan (15/7 ÂL), ngày Lễ Phật Đản (15/4 ÂL) được tổ chức tại chùa. Trong tất cả những lễ hội nêu trên, còn có một lễ hội mang tính đặc trưng tiêu biểu cho cư dân nông nghiệp lúa nước, đó là lễ hội “hạ điền” hay còn gọi là lễ “xuống đồng” được dân làng tổ chức long trọng vào ngày 14/6 âm lịch hàng năm. Đây là nghi lễ phản ánh tục cầu mùa  với mong ước mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp lúa nước, trong ngày lễ diễn ra nhiều nghi thức quan trọng như: nghi thức tế lễ thần hoàng, thần nông, nghi thức cấy lúa...

 

Ngoài việc thờ tự phục vụ đời sống tâm linh thì trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, di tích đình chùa Tiên Chưởng còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Năm 1925 nhân dân tập trung tại khu giải vũ của đình, đấu tranh với bọn địa chủ phong kiến đòi được 64 mẫu ruộngvề tay nhân dân. Ngày 21/8/1945 tại đình Tiên Chưởng, Ủy ban lâm thời của xã được thành lập do ông: Cao Danh Hinh làm Chủ tịch. Trong thời gian này hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Hồ Chủ tịch nhân dân tong xã tích cực tham gia xóa nạn mù chữ, đình chùa tiên Chưởng đã giành 5 gian giải vũ để mở các lớp "bình dân học vụ".

Giai đoạn từ tháng 10/1949-2/1952 đây là thời kỳ khó khăn đối với phong trào cách mạng của địa phương. Lịch sử Đảng bộ huyện gọi là giai đoạn “2 năm bốn tháng”, chùa Tiên Chưởng thành cơ sở hoạt động bí mật cho cán bộ về chỉ đạo phong trào, tại đình nhân dân đào hầm bí mật có đường thoát ra cánh đồng đề phòng khi gặp đích vây bắt. Tháng 1/1952 đình chùa Tiên Chưởng là nơi đón tiếp sư đoàn quân khu III về tham gia giệt tề.

Từ sau hòa bình lặp lại, cho đến những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1975 nhân dân địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược quan trọng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Trong những năm đó, đình chùa Tiên Chưởng đã dành toàn bộ 3 gian tiền đường để Phòng lương thực huyện làm kho chứa thóc. Năm 1964 đình chùa Tiên Chưởng  còn là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ xã Giao Châu lần thứ 4.


Khóa tu mùa hè chùa Tiên Chưởng

Với những giá trị tiêu biểu về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử cách mạng, năm 2003 Đình chùa Tiên Chưởng đã được UBND tỉnh Nam Định cấp bằng di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh./.

                                                                              Như Quỳnh





image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1