Di tích lịch sử văn hoá Đình làng Thuý Dĩnh

Đình làng Thuý Dĩnh thuộc thôn Thuý Dĩnh, xã Giao Châu, huyện Giao Thuỷ. Với những giá trị quý báu về lịch sử và văn hoá, ngày 20 tháng 11 năm 2014,  UBND tỉnh Nam Định đã ra Quyết định số 2145/QĐ-UBND về việc xếp hạng và cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử -văn hóa cấp tỉnh cho di tích Đình làng Thúy Dĩnh.


Mặt trước Đình làng Thuý Dĩnh

Nơi đây thờ Đức thánh Triệu Việt Vương người có nhiều công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vào thế kỉ thứ VI, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí thành công, nhà nước Vạn Xuân ra đời. Nhà Lương đem quân xâm lược nước ta, Triệu Quang Phục là một võ tướng của nhà Tiền Lý đã đứng lên đánh tan quân xâm lược nhà Lương, giành lại độc lập cho dân tộc. Ông là người có nhiều công lao với đất nước, vì vậy sau khi ông mất đã có nhiều nơi lập đền thờ.

Đình làng Thuý Dĩnh thờ Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, người đã chiêu dân lập lên tổng Hoành Thu, trong đó có trại Thuý Dĩnh vào năm 1828. Ông không những có công lớn trong công cuộc khai hoang lấn biển ở vùng đồng bằng sông Hồng mà còn tiến hành các biện pháp thuỷ lợi và giao thông đồng thời còn tổ chức các đơn vị làng, trại, ấp góp phần ổn định trật tự xã hội, tăng thêm sức sản xuất và của cải cho nhân dân.

Trong các phong trào cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, đình làng Thuý Dĩnh trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của địa phương góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đặc biệt trong giai đoạn 2 năm 4 tháng (tháng 10-1949 đến tháng 2-1952), đình làng là nơi hoạt động bí mật cho cán bộ cách mạng về hoạt động chỉ đạo phong trào. Những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1965-1972), đình làng Thuý Dĩnh là kho bảo quản lương thực, thực phẩm của Phòng lương thực huyện,

Công trình kiến trúc đình làng Thuý Dĩnh có bình đồ kiến trúc tiền chữ “nhất” hậu chữ “đinh” với trên 20 gian lớn nhỏ, được bố cục đăng đối, hài hoà. Nhiều hạng mục kiến trúc được xây dựng theo kiểu cuốn vòm, tiêu biểu cho phong cách của những di tích vùng ven biển cho đến ngày nay vẫn còn bền vững. Tại di tích vẫn còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật có giá trị như: Khám và tượng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương, hện thống sắc phong, câu đối, đại tự…thể hiện sự nâng niu, trân trọng và quyết tâm bảo tồn những di sản văn hoá quý báu mà cha ông để lại.

Nhà thờ Mẫu trong khuôn viên di tích

Khám và tượng thờ Đức thánh Triệu Việt Vương thờ tại gian giữa toà cung cấm. Khám làm theo kiểu long đình, bốn đỉnh chạm hoạ tiết rồng. Mặt tạo hai lớp cửa, lớp thứ nhất tạo theo kiểu y môn chạm thông phong hoạ tiết rồng phượng. Lớp thứ hai làm theo kiểu cửa võng, chạm thông phong hoạ tiết hoa lá, bốn trụ chạm hoạ tiết rồng leo. Pho tượng Đức thánh Triệu Việt Vương có kích thước cao 110cm, tạc trong tư thế ngồi trên bệ, đầu đội mũ Bình thiên, mình mặc áo long cổn, chạm hoạ tiết vân mây, tay cầm thẻ bài, chân đi hài. Toàn bộ hiện vật được sơn son, thếp vàng, những đường nét chạm khắc mềm mại, tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Tại đình còn lưu giữ được 7 sắc phong, trong đó có 01 đạo niên hiệu Tự Đức 6 (1853), 01 đạo niên hiệu Duy Tân 3 (1909), 05 đạo sắc niên hiệu Khải Định 9 (1924). Về chất liệu, các đạo sắc làm trên nền giấy dó, kích thước dài 125cm, rộng 51cm. Ngoài chữ Hán, trên nền các đạo sắc có in hình rồng, vân mây, 4 góc tạo thành 4 ô vẽ đề tài tứ linh, diềm sắc vẽ cẩn quy, trên thân có dấu ấn của vua in 4 chữ: Sắc mệnh chi bảo. Về nội dung, sắc phong ghi nhận công lao và sự thờ tự Đức Thánh Triệu Việt Vương, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ.

Đại tự được làm bằng chất liệu gỗ, hình chữ nhật có kích thước dài 190cm, rộng 70cm được treo tại gian giữa toà cung cấm. Nền của đại tự khảm trai ở giữa và nhấn nổi chữ Hán màu đen “Bắc tiễn Lương binh” nghĩa là: Diệt trừ giặc Lương phương Bắc. Theo dòng lạc khoản chữ Hán khắc trên đại tự thì đây là di vật được làm vào năm Duy Tân Tân Hợi (1911).

Bảng thờ  được đặt tại toà trung đường, được làm bằng chất liệu gỗ, hình chữ nhật, có kích thước cao 80cm, nền sơn đỏ, viết chữ Hán…màu vàng. Nội dung ghi lại việc dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ chiêu mộ dân nghèo về khai hoang lập đất tại trại Thuý Dĩnh. Bảng thờ được làm năm Minh Mệnh 10 (1829).

Bên cạnh những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, di tích còn là nơi thực hiện, duy trì các nghi thức tế, lễ diễn ra vào dịp lễ hội truyền thống hàng năm. Qua đó, giúp nhân dân địa phương hướng về cội nguồn, tri ân công đức những người có công và cùng nhau góp sức xây dựng quê hương, làng xóm.

                                                                                                                      Thực hiện: Nguyễn Huyền
                                                                                                                                            VHTT-TDTT

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1