Trường THCS Giao Châu 46 năm xây dựng và phát triển
46 năm hình thành và phát triển với những dấu ấn của thời gian THCS Giao Châu đang từng bước đi lên vững chắc

Giao Châu là một xã nằm ở phía nam của huyện Giao Thủy với diện tích 468,47ha, với 2300 hộ, dân số 9200 khẩu, đơn vị hành chính: có 12 xóm, hai tôn giáo( đạo phật và đạo Thiên Chúa) nằm cách trung tâm huyện Giao Thủy khoảng 6 km, trải dọc theo trục Quốc lộ 37B. Là vùng đất xa xưa được kiến tạo do phù sa của sông Hồng và Biển. Giao Châu là một xã với nền sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, con người Giao Châu cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, anh hùng trong chiến đấu, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ người dân Giao Châu đã không tiếc sức người và sức của, góp phần làm nên trang sử hào hùng của dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến có 78 liệt sĩ các thời kỳ, 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng phong tặng và truy tặng. Cùng với việc xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc, Đảng – Chính quyền và Nhân dân Giao Châu rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Ngay từ năm 1959 xã Giao Châu chưa thành lập được trường cấp II, nhưng đã có 2 lớp đầu cấp học tại Giao Châu với số lượng hơn 60 học sinh từ các xã Giao Châu, Giao Yến, Giao Nhân…. Cũng có thể nói đây là cơ sở ban đầu, là tiền thân của trường THCS Giao Châu bây giờ. Tháng 9 năm 1971 trường cấp II Giao Châu chính thức được thành lập. Trải qua hơn 45 năm với sự thăng trầm của Lịch sử, ngành Giáo dục của xã Giao Châu cũng không ngừng phát triển và trưởng thành, đội ngũ thầy cô giáo, số lớp học và số học sinh của nhà trường cũng phát triển đi lên không ngừng, cơ sở vật chất từ chỗ lớp học còn tranh tre, nứa lá, vách đất đơn sơ đến nay đã có một cơ ngơi khang trang, đàng hoàng hiện đại.

     46 năm hình thành và phát triển với những dấu ấn của thời gian THCS Giao Châu đang từng bước đi lên vững chắc. Cụ thể như sau:

Năm học 1971 – 1972 trường cấp II Giao Châu được thành lập với 2 lớp 5, lớp 6( chưa có lớp 7) với tổng số gần 100 học sinh, cơ sở vật chất khi đó chưa có gì phải mượn nhà Sứ của nhà thờ Giao Châu để tổ chức dạy và học, do thầy giáo Đoàn Ngọc Phúc làm Hiệu trưởng và thầy giáo Nguyễn Văn Vũ làm Hiệu phó đầu tiên, sau đó đã dựng được nhà tranh tre, nứa lá, vách đất để học. Đây là giai đoạn khó khăn của đất nước, chiến tranh giải phóng miền Nam đang thời kỳ gay go ác liệt, giặc Mỹ đã tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, thầy và trò phải đến trường trong tư thế sẵn sàng đối phó với máy bay Mỹ có thể ném bom bắn phá bất kỳ lúc nào chúng muốn, thầy và trò đến trường phải đội mũ rơm để tránh bom bi…. Mặc dù vậy Đảng – Chính quyền, nhân dân Giao Châu vẫn quan tâm chăm lo cho sự nghiệp trồng người, thầy và trò Nhà trường đã tích cực hưởng ứng và triển khai các phong trào thi đua sôi nổi như: “ Tiếng trống Bắc Lý”; phong trào thi đua “Hai tốt”. Các hoạt động dạy và học của nhà trường vẫn được giữ ổn định trong hoàn cảnh cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, kết quả giảng dạy và học tập của thầy và trò đã có nhiều chuyển biến tích cực, thầy và trò vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học.

Đến năm 1975 trường cấp II Giao Châu do thầy giáo Hiếu làm hiệu trưởng, trong không khí sôi nổi của cả nước đang tập trung cho cuộc chiến tranh dân tộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đội ngũ thầy và trò luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Tháng 9 năm 1976 trường cấp II Giao Châu với quy mô 6 lớp với hơn 320 học sinh do thầy giáo Ích làm hiệu trưởng, các thầy cô giáo của nhà trường, cùng với Đảng – Chính quyền Nhân dân Giao Châu đã đưa phong trào giáo dục của xã Giao Châu phát triển vượt bậc.

Năm 1982 trường phổ thông cơ sở Giao Châu được thành lập do sát nhập  trường cấp I và trường cấp II Giao Châu, ban giám hiệu Nhà trường gồm: thầy giáo Doãn Đình Lễ làm Hiệu trưởng, thầy giáo Ngô Xuân Chính làm Hiệu phó cấp I, thầy giáo Đỗ Minh Đăng làm Hiệu phó cấp II. Trong tình hình khôi phục nền kinh tế của cả nước sau chiến tranh, nông nghiệp thì lạc hậu, công nghiệp hầu như không có, đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống văn hóa xã hội, ngành Giáo dục cũng không nằm ngoài tình trạng đó, mặc dù đời sống của đội ngũ thầy cô giáo rất khó khăn, song nhà trường vẫn giữ vững truyền thống “ Dạy tốt – Học tốt” và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học.

Tháng 9 năm 1989 trường phổ thông cơ sở Giao Châu với quy mô 21 lớp trong đó có 13 lớp cấp I và 8 lớp cấp 2 với tổng số học sinh 1028 em, do thầy giáo Nguyễn Minh Châu là Hiệu trưởng, thầy giáo Cao Xuân Đà là Hiệu phó cấp I, cô giáo Nguyễn Thị Kim Bích là Hiệu phó cấp II. Tháng 8 năm 1994 trường Phổ thông cơ sở Giao Châu được tách ra làm hai trường là trường Tiểu học Giao Châu và Trường THCS Giao Châu, trong đó trường THCS Giao Châu có 10 lớp với 461 học sinh và 17 thầy cô giáo, cô giáo Nguyễn Thị Kim Bích làm Hiệu trưởng và cô giáo Đinh Thị Phương làm Phó hiệu trưởng. Chi bộ 15 Trường THCS Giao Châu được  thành lập riêng từ năm 2005. Từ tháng 10 năm 2006 trường THCS Giao Châu do cô giáo Nguyễn Thị Kim Bích làm hiệu trưởng, thầy giáo Lê Văn Chương làm Phó hiệu trưởng với quy mô 16 lớp và số học sinh 603 em, đây là thời kỳ số học sinh của nhà trường phát triển lớn nhất từ trước đến bây giờ. Từ tháng 10 năm 2008 trường THCS Giao Châu do cô giáo Nguyễn Thị Kim Bích làm hiệu trưởng, thầy giáo Lê Văn Chương và cô giáo Đoàn Thị Nhài làm Phó hiệu trưởng. Tháng 2 năm 2012 trường THCS Giao Châu do thầy giáo Lê Văn Chương làm Hiệu trưởng, cô giáo Đoàn Thị Nhài làm Phó hiệu trưởng, kể từ đó đến nay đội ngũ giáo viên của nhà trường ngày càng được trẻ hóa, năng động, trách nhiệm nên chất lượng dạy và học của Nhà trường được nâng lên những tầm cao mới.

Trải qua hơn 45 năm phát triển Nhà trường đã đạt được những thành tích nổi bật, từ năm 1994 đến nay Nhà trường liên tục được công nhận là Tập thể lao động tiên tiến, hai tổ chuyên môn liên tục đạt danh hiệu Tập thể LĐTT, nhiều thầy cô giáo đạt danh hiệu Giáo viên giỏi và CSTĐ cấp cơ sở. Tại Trường THCS Giao Châu mỗi năm học đi qua đều đánh dấu sự trưởng thành vững vàng của nhà trường, hàng năm nhà trường đã huy động 100% số học sinh trong độ tuổi đến trường, chất lượng giáo dục toàn diện có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng lên rõ rệt. Từ năm 2012 đến nay tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS thi đỗ vào các trường THPT hàng năm đều đạt trên 80%, có năm đạt 88.9% và có tới 30% học sinh được học ở các lớp A1, A2 của trường THPT Giao Thủy và THPT Giao Thủy B. Các đội tuyển thi học sinh giỏi văn hóa và thể dục thể thao cấp huyện đều đạt giải cao. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn do ngành phát động đều được thầy và trò Trường THCS Giao Châu triển khai thực hiện một cách toàn diện và có hiệu quả, như cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trong vườn hoa “Hai tốt” của nhà trường hơn 46 năm qua có rất nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh là những điển hình tiên tiến về dạy tốt, học tốt của ngành, nhiều cá nhân đạt được danh hiệu tiên tiên, tiến tiến xuất sắc của huyện. Từ mái trường THCS Giao Châu đã có nhiều thế hệ các thầy cô giáo phấn đấu trong giảng dạy và công tác đã thành đạt, có nhiều thầy, cô đã trở thành cán bộ quản lí của các Nhà trường như: thầy giáo Trần Duy Hưng… Noi gương các thế hệ thầy cô giáo, lớp lớp các thế hệ  học sinh những người con của quê hương Giao Châu đã cố gắng phấn đấu và thành đạt trên nhiều lĩnh vực học tập và công tác. Nhiều người đã là những sĩ quan cao cấp trong quân đội như: Đại tá  Cao Danh Quyền, Đại tá Phạm Quang Thiểm; Đại tá Lê Xuân Trọng; Thầy giáo Trần Văn Hùng (Tổ trưởng tổ XH nhà trường) là liệt sĩ  – Chống mỹ, Cô giáo Đinh Thị Tuyết là vợ liệt sĩ  Trần Văn Hùng.

Tự hào về những thành tích rực rỡ của nhà trường đã đạt trong hơn 45 năm qua. Tiếp bước các thế hệ đi trước thầy và trò trường THCS Giao Châu luôn quyết tâm phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng trường phát triển mạnh mẽ, vững chắc đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, ghi thêm những trang thành tích mới nổi bật hơn nhằm nâng cao uy tín, củng cố thêm niềm tin cho Đảng bộ, Chính quyền nhân dân địa phương và ngành giáo dục, xứng đáng với danh hiệu trường chuẩn Quốc gia và truyền thống hiếu học của một vùng quê cách mạng.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1